Các bệnh do viêm đường hô hấp trên: Dấu hiệu, điều trị và phòng ngừa

Ngày đăng: 10-09-2022 16:47:02

Các bệnh do viêm đường hô hấp trên thường xuất hiện theo mùa, nhất là mùa hanh khô, mùa lạnh và thường tái phát nhiều lần. Trẻ em, người cao tuổi, người có hệ miễn dịch kém… là những đối tượng dễ mắc các bệnh lý viêm đường hô hấp trên.

1. Viêm đường hô hấp trên là gì?

Viêm đường hô hấp trên là tình trạng viêm nhiễm ở các bộ phận thuộc đường hô hấp trên bao gồm: mũi, hầu, họng, xoang, thanh quản. Là những bộ phận có chức năng lấy không khí từ bên ngoài cơ thể, làm ấm, sưởi ấm và lọc khí trước khi đưa vào phổi. Hệ hô hấp bắt đầu từ cửa mũi trước nên cơ quan này vô cùng nhạy cảm khi tiếp xúc với mọi điều kiện bất lợi từ môi trường, kể cả vi khuẩn, nấm mốc… do đó dễ mắc bệnh.

Bài viết có sự tư vấn chuyên môn của BSCKI. Hà Duy Cường, Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Giao thông Vận tải.

Viêm đường hô hấp trên là tổng hợp nhiều bệnh lý khác nhau như: cảm lạnh, viêm họng, viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm thanh quản… Những đối tượng dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp trên là trẻ em, người cao tuổi, người bị suy giảm miễn dịch, người bị bạch cầu…

Viêm đường hô hấp trên là bệnh dễ mắc và tái diễn nhiều lần trong năm. Mỗi năm trẻ em có thể bị viêm đường hô hấp trên khoảng 10 lần. Người trưởng thành có thể mắc phải bệnh này từ 2 - 4 lần/năm. Nếu không được điều trị đúng và kịp thời, người bệnh có thể gặp các vấn đề nguy hiểm, đặc biệt là trẻ em có thể bị viêm phổi, viêm phế quản dẫn đến suy hô hấp…

 

Viêm đường hô hấp trên do virus, vi khuẩn gây ra và thường tái phát nhiều lần.

2. Nguyên nhân gây viêm đường hô hấp trên

Virus, vi khuẩn, nấm mốc, khí độc, bụi… là những nguyên nhân gây ra bệnh viêm đường hô hấp trên. Một số vi khuẩn gây viêm đường hô hấp trên có thể kể đến như phế cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, tụ cầu, vi khuẩn Bordetella, Haemophilus influenzae type B… Với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đa số mắc viêm hô hấp trên đều là do nhiễm virus như virus cúm, sởi, virus hợp bào hô hấp và một số loại nấm…

Mầm bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng từ người sang người thông qua các giọt bắn hô hấp trong không khí khi người bệnh ho, hắt hơi hay nói chuyện gần. Ngoài ra, nếu chạm tay vào các bề mặt có dính virus hay vi khuẩn gây bệnh rồi chạm lên mắt, mũi, miệng cũng có thể bị nhiễm bệnh.

Một số yếu tố nguy cơ khác có thể khiến dễ mắc bệnh hơn do làm tăng khả năng lây truyền bệnh hay ảnh hưởng đến hệ miễn dịch làm chúng yếu đi, bao gồm:

  • Tổn thương đường dẫn khí hay khoang mũi.
  • Không rửa tay thường xuyên.
  • Tiếp xúc với nhiều người, đến nơi đông người như sân bay, trạm xe…
  • Có các bệnh lý tự miễn.
  • Đã cắt bỏ amidan hay nạo VA.
  • Hút thuốc lá.
  • Suy giảm hệ miễn dịch do một số bệnh lý (như HIV), phẫu thuật ghép tạng, sử dụng một số thuốc (như corticosteroid dài hạn)…

3. Triệu chứng của viêm đường hô hấp trên

Viêm đường hô hấp trên được chia thành 2 loại: viêm đường hô hấp trên cấp tính và viêm đường hô hấp trên mạn tính.

Viêm đường hô hấp trên cấp tính

Bệnh thường xảy ra khi có một số yếu tố thuận lợi tác động vào như thay đổi thời tiết từ nóng sang lạnh; uống nước quá lạnh hoặc nước đá, kem; nằm, ngồi trước luồng gió lạnh của quạt hoặc điều hòa nhiệt độ...

Triệu chứng gặp đầu tiên là sốt (có thể sốt nhẹ, đôi khi sốt cao kèm theo rét run), kèm theo sốt là ho, hắt hơi và chảy nước mũi. Cơn ho có khi chỉ húng hắng, có khi ho liên tục. Bệnh nhân là người lớn hoặc trẻ em lớn còn có triệu chứng bị đau họng khi nuốt, khi ăn. Chảy nước mũi là triệu chứng hay gặp, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.

Chảy nước mũi là triệu chứng hay gặp ở trẻ nhỏ.

Viêm đường hô hấp trên mạn tính

Khi bị viêm đường hô hấp trên cấp tính mà không được điều trị hoặc điều trị không dứt điểm thì rất dễ dàng chuyển thành viêm đường hô hấp mạn tính.

Triệu chứng của viêm đường hô hấp trên mạn tính là ho húng hắng, rát họng, nuốt thấy hơi vướng như có vật gì nằm trong họng, đặc biệt ở trẻ em là chảy nước mũi thường xuyên (một hoặc cả hai bên mũi). Một số trẻ em bị VA mạn tính kéo dài mà căn nguyên do trực khuẩn mủ xanh thì chất nhày chảy ra ở mũi thường có màu xanh mà người ta hay gọi là "thò lò mũi xanh". Ngoài thò lò mũi xanh, trẻ ngủ thường ngáy, thở bằng mồm.

Ở người lớn, ngoài triệu chứng điển hình là rát họng, nuốt vướng còn có nghẹt mũi (một bên hoặc cả hai) do hiện tượng phì đại cuốn mũi... Trong những trường hợp viêm xoang thường có kèm theo triệu chứng đau đầu...

4. Có thể gây biến chứng

Viêm đường hô hấp trên là một bệnh thông thường lành tính và có khả năng điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, nhiều người do chủ quan, tự điều trị tại nhà không theo chỉ định của bác sĩ mà người bệnh có thể sẽ gặp những biến chứng nguy hiểm.

Viêm đường hô hấp trên có 3 dạng hình thái chính đó là: viêm họng, viêm mũi và viêm xoang. Các biến chứng nặng hay nhẹ sẽ phụ thuộc vào mức độ bệnh của từng người.

Nếu bị viêm mũi, ban đầu chỉ là các triệu chứng nhẹ như hắt hơi, sổ mũi. Sau đó dịch nhầy sẽ đặc lại gây khó thở, nghẹt mũi. Nếu không có biện pháp điều trị nhanh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, sóng điện não bị xáo trộn gây suy giảm trí nhớ.

Nếu bị viêm xoang, ban đầu người bệnh sẽ bị đau đầu, sốt cao. Khi bệnh tiến triển nặng hơn sẽ gây ra các biến chứng như thị lực giảm, nhiễm trùng ổ mắt, viêm não, tắc mạch xoang hang…

Đối với viêm họng, đây là bệnh không nguy hiểm và dễ dàng điều trị dứt điểm. Tuy nhiên với tính chủ quan nên nhiều người thường để bệnh diễn tiến nặng dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như áp xe họng, viêm thanh quản, viêm hạch bạch huyết, nhiễm trùng huyết…

Đối với trẻ em, khi bị nhiễm bệnh đường hô hấp trên nếu không điều trị kịp thời rất dễ dẫn tới viêm đường hô hấp dưới với biểu hiện như: khó thở, thở rít, thở nhanh, viêm phổi, viêm phế quản… Nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến tử vong do biến chứng viêm màng não, viêm tim, viêm cầu thận…

Với trẻ em, nếu xuất hiện một trong những triệu chứng sau đây hãy nhanh chóng đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời:

  • Trẻ bỏ ăn hoặc không ăn uống được, không bú sữa
  • Trẻ khó thở, thở rút lõm lồng ngực, thở gấp…
  • Trẻ sốt cao kéo dài không hạ sốt từ 2 - 5 ngày

Khi trẻ có biểu hiện viêm đường hô hấp nặng cần đến khám tại cơ sở y tế.

5. Điều trị viêm đường hô hấp trên

Điều trị bằng thuốc

Một số thuốc thường dùng để điều trị bệnh viêm đường hô hấp trên là thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau, thuốc chống viêm nhằm ngăn chặn tình trạng tình trạng sốt cao và tai biến co giật do sốt cao. Ngoài ra, bác sĩ có thể kê thêm thuốc kháng histamin giúp ngăn chặn giải phóng chất trung gian hóa học gây viêm.

Ngoài việc sử dụng thuốc, bác sĩ cũng khuyên người bệnh nên ăn thêm nhiều loại thực phẩm bổ dưỡng để tăng sức đề kháng cho cơ thể và chờ cho đến khi cơ thể tự đào thải virus.

Đối với viêm đường hô hấp trên ở trẻ em, cha mẹ không được tự ý mua thuốc cho bé dùng, nên đưa bé đi khám và uống thuốc theo sự chỉ định của bác sĩ.

Đối với trường hợp viêm đường hô hấp trên do vi khuẩn gây nên thì có thể dùng kháng sinh, kháng viêm theo chỉ định của bác sĩ.

Điều trị không dùng thuốc tại nhà

Khi trẻ bị viêm đường hô hấp trên, có nhiều cách để điều trị không dùng thuốc tại nhà cho trẻ. Bởi thuốc kháng sinh, kháng viêm mặc dù mang lại hiệu quả tốt nhưng đều là "con dao 2 lưỡi", sẽ gây tác dụng phụ dù ít, dù nhiều cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhỏ.

Một số cách giúp bé nhanh chóng khỏi bệnh tại nhà như sau:

* Với trẻ bị ngạt mũi, chảy nhiều nước mũi:

Khi trẻ chảy nhiều nước mũi hay bị ngạt mũi, cha mẹ có thể lấy khăn giấy để làm thông thoáng mũi cho bé. Sau đó, nhỏ nước muối sinh lý loại dành cho trẻ em vào 2 bên mũi để làm loãng dịch mũi. Lấy dịch mũi ra bằng dụng cụ hút mũi, không được dùng miệng để hút mũi cho trẻ vì miệng người lớn có nhiều vi khuẩn gây hại cho bé. Cuối cùng lấy tăm bông sạch để làm khô mũi cho trẻ.

Khi làm bằng phương pháp này, nên lưu ý thực hiện trước khi cho bé ăn hoặc bú sữa giúp tránh cho bé bị nôn trớ khi ăn uống. Nên bế bé ở tư thế đứng song song với cơ thể mẹ hoặc đặt bé nằm cao đầu.

Mặc dù phương pháp này mang lại hiệu quả tốt, giúp mũi bé thông thoáng nhưng không nên lạm dùng nước muối sinh lý quá nhiều, dễ gây teo niêm mạc mũi.

* Với trẻ sốt cao:

Khi trẻ bị sốt từ 37 - 38.5 độ C, để hạ sốt nên cho trẻ nằm trong phòng mát, mặc quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt. Đồng thời cho bé uống nhiều nước, ăn uống đầy đủ, lau mát cho bé ở các vùng trán, nách, bẹn bằng nước ấm. Thường xuyên đo nhiệt độ cơ thể cho bé để theo dõi xem trẻ giảm sốt hay nhiệt càng tăng.

Khi trẻ sốt trên 38,5 độ C, cho bé dùng thuốc hạ sốt loại bột pha nước uống hoặc loại đặt hậu môn (thuốc paracetamol với liều từ 10 - 15ml/kg/lần). Bên cạnh đó, vẫn tiếp tục lau mát ở các vùng trán, bẹn, nách cho trẻ bằng nước ấm. Nếu nhiệt độ cơ thể bé vẫn trên 38,5 độ C thì sau 4 - 6 tiếng có thể tiếp tục sử dụng thuốc hạ sốt.

Khi sốt quá cao sẽ dễ bị co giật, do đó, để hạ nhiệt độ cơ thể của trẻ, cha mẹ có thể kết hợp cho bé tắm nước ấm.

Khi trẻ sốt cao có thể sử dụng thuốc hạ sốt.

* Với các triệu chứng ho:

Khi trẻ có các triệu chứng ho, ho kéo dài, có thể sử dụng một số thuốc ho thảo dược hoặc siro ho theo sự chỉ định của bác sĩ. Một chút mật ong pha loãng hoặc cho trẻ ăn quất hấp với đường phèn và gừng cũng là một bài thuốc giúp giảm ho hiệu quả.

* Với trẻ bị nôn:

Trường hợp bé nôn khi bị viêm đường hô hấp trên, cha mẹ hãy đặt bé nằm nghiêng đầu sang một bên, làm sạch chất nôn ở mũi, miệng, họng… ở trẻ. Nếu trẻ bị nôn kèm theo các dấu hiệu như da nhăn nheo, mắt trũng, ngủ li bì thì đưa trẻ đến ngay bác sĩ để thăm khám và điều trị kịp thời.

6. Phòng bệnh viêm đường hô hấp trên

Để tránh các bệnh viêm đường hô hấp trên và bảo vệ sức khỏe khi thời tiết chuyển mùa, cần lưu ý giữ môi trường sống xung quanh sạch sẽ, thoáng mát. Đồng thời bổ sung nước thường xuyên, ngoài nước lọc có thể uống sinh tố, nước ép hoa quả, sữa để bổ sung vitamin và khoáng chất, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý.

  • Tránh tiếp xúc gần gũi với những người bị bệnh
  • Vệ sinh các đồ vật thông dụng mà mọi người hay tiếp xúc như điều khiển từ xa, điện thoại và nắm tay khóa cửa
  • Sử dụng khẩu trang nếu có những triệu chứng về bệnh để tránh lây lan virus đến xung quanh
  • Ở nhà khi bị bệnh, đeo khẩu trang để tránh lây lan mầm bệnh cho những người xung quanh.
  • Hạn chế đến nơi đông người vào mùa dịch bệnh và đảm bảo giữ ấm cơ thể trong những đợt thời tiết chuyển mùa.

Không nên cho trẻ ăn uống các loại thức ăn đã nguội, lạnh nhất là uống nước lạnh. Khi thời tiết lạnh cần mặc ấm cho trẻ ngay cả khi ở trong nhà.

Nên tắm nước ấm cho trẻ, tắm trong phòng kín gió, tắm xong cần lau người thật nhanh và mặc quần áo cho trẻ. Không để gió lùa vào phòng học, phòng ngủ và phòng trẻ chơi. Trẻ lúc ngủ thường có phản xạ đạp tung hết chăn, người lớn cần quan tâm đắp lại chăn cho trẻ, nếu không, trẻ sẽ bị viêm đường hô hấp do cảm lạnh.

Hàng ngày, nên tập cho trẻ vệ sinh răng miệng nhất là các trẻ lớn, nên súc họng bằng nước muối sinh lý vô khuẩn. Cần cho trẻ ăn đủ chất, ngoài ra nên cho trẻ ăn thêm trái cây để có đủ lượng vi chất cần thiết tạo kháng thể chống các tác nhân gây bệnh.

Đặc biệt, trẻ nhỏ là đối tượng thường dễ mắc bệnh viêm đường hô hấp trên nhất nên cha mẹ cần lưu ý tiêm chủng đầy đủ cho trẻ, nhất là các loại vaccine phòng bệnh đường hô hấp như Prevnar 13 và Synflorix phòng bệnh viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, vaccine cúm phòng bệnh cúm mùa…

7. Một số thảo dược hỗ trợ điều trị viêm đường hô hấp trên

Húng chanh

Húng chanh trị ho, viêm họng hiệu quả.

Nhờ tác dụng phát tán phong hàn, tiêu đờm, sát khuẩn, nên húng chanh được dùng như một loại thảo được hiệu quả hỗ trợ điều trị cảm cúm, ho, trị viêm họng, khản tiếng. Tinh dầu húng chanh có tính kháng sinh mạnh, ức chế và diệt nhiều loại vi khuẩn gây viêm đường hô hấp như Streptococcus, Staphyloccocus, D.pneumoniae…..

Theo Đông y, húng chanh là thảo dược có tính ấm, vị cay, có tác dụng giúp chữa ho, giải cảm cho ra mồ hôi, chữa tức ngực. Húng chanh là vị thuốc giúp điều trị các triệu chứng viêm đường hô hấp trên như cảm cúm, cảm sốt, nghẹt mũi, ho đờm, nóng rét, nhức đầu. Để sử dụng vị thuốc này hiệu quả, lấy 15-20g lá húng chanh giã vắt lấy nước cốt cho con uống; hoặc thêm hành, gừng, mỗi vị 12g cùng sắc uống và xông cho ra mồ hôi.

Tía tô

Theo Đông y, tía tô có tính ấm, vị cay, đi vào các kinh tâm và phế, làm thoát mồ hôi, tiêu đàm, hạ khí. Lá tía tô có tác dụng chữa hắt hơi sổ mũi do viêm đường hô hấp trên, sốt, ho.... Quả tía tô có tác dụng chữa ho, hen suyễn, trừ đờm, tê thấp. Lá tía tô non thái sợi nhỏ cho vào nấu cháo là bài thuốc giải cảm, bí mồ hôi.

Khi trẻ bị viêm đường hô hấp trên với triệu chứng ho khò khè, hãy dùng 10g lá hoặc hạt tía tô sắc lấy nước uống cho trẻ, sẽ thấy hiệu quả nhanh chóng.

Gừng

Gừng có tác dụng kháng viêm, chữa ho và làm sạch cổ họng, giữ ấm cơ thể. Nếu có triệu chứng ho nhiều, đau rát cổ họng và đau tức ngực, hãy thử dùng 1-2 tách trà gừng ấm pha với ít nước cốt chanh và mật ong sẽ cảm thấy dịu nhẹ hơn hẳn.

Tràm

Lá tràm tính ấm, vị cay, mùi thơm dễ chịu, có tác dụng giảm ho, trừ thấp, giảm đau. Để chữa các chứng sổ mũi, hắt hơi, ngạt mũi, nhức đầu, sốt, ho có đờm cho trẻ em có thể dùng cành lá tươi sắc hoặc hãm nước sôi uống với liều 20g trong 1 lít.

Sả

Kết hợp lá sả non, mật ong, quế, hạt tiêu, nước cốt chanh và lá bạc hà thành trà sả có công dụng thông mũi họng, giúp trẻ nhỏ dễ thở hơn, giữ ấm toàn thân và làm dịu cơn ho hiệu quả.

(Nguồn suckhoedoisong.vn)

Chia sẻ:


Bài viết liên quan

zalo
0908 856 847