Thuốc trị nghiện rượu

Ngày đăng: 03-10-2018 22:47:18

Dịp lễ, Tết thường không thể thiếu rượu, bia. Tuy nhiên, nếu trở thành nô lệ của các chất có cồn này thì lại là việc nguy hiểm. Nghiện rượu là một tệ nạn xã hội cần được ngăn chặn và những nô lệ của các ma men này cần được điều trị tại các khoa tâm thần để hạn chế thấp nhất những hậu quả do nghiện rượu gây ra.

Một người được coi là nghiện rượu nếu thỏa mãn cả hai tiêu chuẩn:  uống rượu liên tục (ngày nào cũng uống rượu) trên 10 năm và mỗi ngày uống trên 300ml rượu 40 độ cồn (rượu trắng hay bán ngoài thị trường).

Để giúp cho những người nghiện này không uống rượu nữa cần có sự can thiệp của các bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Thông thường các thuốc được sử dụng để cắt nghiện rượu là các thuốc bình thần hoặc naltrexone.

Dùng thuốc bình thần

Bệnh nhân nghiện rượu sẽ được đưa vào khoa tâm thần, điều trị nội trú. Tại đây, bệnh nhân bị bắt buộc ngừng uống rượu đột ngột và được dùng thuốc điều trị ngay như tiêm seduxen, vitamin B1 và truyền tĩnh mạch, ringer lactat.

 

Nghiện rượu dễ bị gan nhiễm mỡ.

Nghiện rượu dễ bị gan nhiễm mỡ.

Dùng thuốc tiêm, truyền trong 3 ngày, sau đó chuyển sang các thuốc uống seduxen và vitamin B1. Uống trong 5 ngày, sau đó chuyển sang uống olanzapin và amitriptylin, trong 2 tuần, sau đó chuyển sang điều trị chống tái nghiện rượu dùng thuốc esperal (disulfiram). Nên bắt đầu uống thuốc này 2-3 ngày trước khi ra viện. Thời gian uống thuốc tối thiểu 2 năm để tránh tái nghiện. Do esperal ức chế men ADH2 khiến quá trình cai rượu bị dở dang và dừng lại ở aldehyd. Nếu bệnh nhân uống rượu thì nồng độ aldehyd trong máu sẽ tăng vọt (gấp hàng chục đến hàng trăm lần) và gây ra các phản ứng dữ dội như đau đầu, đánh trống ngực, đỏ da, sợ hãi, nôn, buồn nôn... khiến bệnh nhân rất sợ rượu.

Bệnh nhân nghiện rượu đã có tổn thương chức năng gan, thận, tăng huyết áp, xuất huyết tiêu hóa... cần phải điều trị nội trú, cắt cơn cai rượu bằng seduxen và vitamin B1. Sau đó điều trị củng cố bằng esperal.

Naltrexone trị nghiện rượu

Rượu vào cơ thể được chuyển hóa qua nhiều giai đoạn với nhiều chất trung gian chuyển hóa khác nhau. Một trong những sản phẩm chuyển hóa dở dang của rượu là acetaldehyd. Chất này liên kết với monoamin ở não để tạo thành tetraisoquinolin. Đây chính là chất có tác dụng giống morphin, vì thế khi chúng gắn lên các thụ cảm thể morphin trong não sẽ tạo ra sảng khoái cho bệnh nhân. Chính các cảm giác sảng khoái do chất này tạo ra khiến bệnh nhân thích uống rượu, uống ngày càng thường xuyên và số lượng ngày càng tăng.

Khi chúng ta dùng naltrexon điều trị cho bệnh nhân nghiện rượu, các thụ cảm thể morphin trên não sẽ bị naltrexon ức chế. Chất tetraisoquinolin không tác dụng được lên các thụ cảm thể morphin nữa, do vậy bệnh nhân sẽ không còn cảm giác sảng khoái khi uống rượu. Do cảm giác sảng khoái khi uống rượu không còn nữa nên sự thèm muốn uống rượu của bệnh nhân sẽ giảm dần và có thể mất hoàn toàn.

Điều trị nghiện rượu bằng naltrexon sau 1 tháng điều trị, bệnh nhân giảm được 50% lượng rượu uống mỗi ngày (ví dụ trước đây uống mỗi ngày 1 lít rượu 40 độ cồn thì sau 1 tháng chỉ còn uống được 500ml rượu cùng loại mỗi ngày). Sau 2 tháng điều trị, bệnh nhân giảm được 70% số lượng rượu uống mỗi ngày (chỉ còn uống được 300ml rượu 40 độ cồn mỗi ngày). Và sau 3 tháng điều trị, bệnh nhân căn bản kiểm soát được hành vi uống rượu của mình, có thể bỏ rượu hoàn toàn.

Tuy nhiên, bệnh nhân cần được uống thuốc điều trị củng cố tiếp tục trong ít nhất 2 năm tiếp theo.

Ưu điểm của phương pháp cai rượu bằng naltrexon: Bệnh nhân không phải ngừng rượu đột ngột (uống thuốc khi bệnh nhân vẫn đang uống rượu), do đó sẽ không có hội chứng cai rượu. Do không có hội chứng cai rượu nên có thể điều trị ngoại trú. Lượng rượu uống hàng ngày giảm từ từ, bệnh nhân sẽ dễ chấp nhận hơn. Có thể uống rượu (khi bắt buộc) mà không sợ bị các phản ứng khó chịu như đối với esperal.

Bên cạnh những ưu điểm nêu trên, nhược điểm của phương pháp này là: Thời gian cai rượu kéo dài, không có lợi cho bệnh nhân đã có biểu hiện suy gan, thận, tăng huyết áp, các bệnh não do rượu...  Khó cai rượu tuyệt đối do bệnh nhân vẫn có thể uống được một lượng rượu nhỏ, hiệu quả không cao như dùng esperal. Giá thành đắt hơn nhiều so với esperal.

Bệnh nhân lạm dụng rượu, nghiện rượu nhưng thể trạng chung còn tốt, chưa tổn thương gan, thận và các bệnh thực tổn như đã nêu trên, có thể điều trị ngoại trú bằng naltrexon.

Lưu ý: Đây là các thuốc chỉ sử dụng trong bệnh viện được chỉ định và theo dõi của các bác sĩ chuyên khoa, người bệnh không được tự ý mua và sử dụng để tránh những hậu quả do thuốc gây ra và do việc sử dụng không đúng.

PGS. TS. Bùi Quang Huy (Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103)

https://suckhoedoisong.vn/

Chia sẻ:


Bài viết liên quan

zalo
0908 856 847