Không ăn đường, chỉ ăn chay và uống nước ép là những quan niệm sai lầm mà nhiều bệnh nhân ung thư nhầm tưởng, khiến cơ thể mau thiếu chất.
Theo cử nhân Bùi Thị Kim Huế, khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, đường có mặt trong nhiều thực phẩm hàng ngày, dưới dạng tinh bột như cơm, ngô, khoai sắn, các loại trái cây... Đường là nguồn năng lượng nuôi dưỡng tất cả tế bào của cơ thể, cung cấp năng lượng để sản sinh ra tế bào mới.
Còn các tế bào ung thư cũng cần năng lượng song cũng rất linh hoạt, có thể thay đổi cách chuyển hóa và sử dụng các chất, phụ thuộc vào chế độ ăn uống. Khi bệnh nhân loại bỏ đường khỏi bữa ăn, tế bào ung thư sử dụng chất béo hoặc protein làm năng lượng. Vì vậy, việc không ăn đường để điều trị ung thư là cách tiếp cận cực đoan, chưa được chứng minh.
Một số thử nghiệm cũng chỉ ra chế độ ăn có đường, tinh bột giúp phụ nữ ung thư vú hoặc đàn ông bị ung thư tiền liệt tuyến chống lại ung thư tốt hơn. Đường, tinh bột được sử dụng trong những thí nghiệm này có nguồn gốc thực vật lành mạnh.
Tuy nhiên, bệnh nhân ung thư cần hạn chế ăn đường tinh chế, nước ngọt, ngũ cốc có đường vì kích thích cơ thể tiết nhiều insulin, chất này kích thích các tế bào ung thư, tiền ung thư phát triển mạnh hơn.
Một số nghiên cứu cũng chỉ ra protein, chất béo, chất xơ giúp cản trở insulin. Vì vậy bệnh nhân ung thư nên ăn trái cây cùng một ít loại hạt cho bữa ăn nhẹ sẽ tốt hơn cho cơ thể.
Chỉ uống nước ép
Một số người cho rằng mắc bệnh ung thư nên tránh các loại nước ép vì chứa quá nhiều đường đơn. Một số lại quảng bá nước ép như một phương thuốc cho tất cả các loại ung thư. Chị Huế cho biết nước ép là một lựa chọn tốt để thêm nhiều khẩu phần trái cây và rau quả, giúp chế độ ăn uống lành mạnh.
Tuy nhiên, không nên chỉ uống nước ép để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày vì giảm lượng lớn chất xơ trong rau và trái cây. Người bệnh nên sử dụng 400-500 gr/ngày trái cây rau quả từ thực phẩm nguyên dạng. Sau đó, bạn có thể bổ sung thêm nước ép rau. Có thể uống 100- 200ml nước ép từ các loại rau, củ, quả mỗi ngày và nên đa dạng các loại rau củ quả để có được nguồn dinh dưỡng tối ưu.
Tránh đậu nành
Đậu nành (đậu tương) là thực phẩm có lợi cho sức khỏe. Hiện chưa có nghiên cứu nào nói rằng ăn đậu nành gây ung thư hoặc ăn đậu nành giúp tránh ung thư.
Đậu nành là nguồn cung cấp protein có giá trị sinh học cao, chất xơ, kali và acid folic chất lượng cao, không chứa cholesterol và cung cấp acid béo thiết yếu. Do đó sử dụng đậu nành rất có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là người mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa lipid máu.
Tuy nhiên, đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành gây ra nhiều tranh cãi vì có chứa chất "phytoestrogen", còn gọi là estrogen thực vật. Ở người, estrogen là một hormone. Mối lo ngại rằng phytoestrogen gây ung thư liên quan đến hormone xuất phát từ nghiên cứu được thực hiện trên ống nghiệm và động vật hoặc nghiên cứu cho thấy những người ăn đậu nành thường xuyên khoảng 4 lần/tuần và trong hơn 2 năm liên tiếp, có nguy cơ ung thư vú cao hơn so với những người ăn không thường xuyên.
Theo bà Huế, đậu nành cũng là một loại thực phẩm, người bệnh nên tuân thủ nguyên tắc vàng "đa dạng thực phẩm" để đạt hiệu quả tối ưu với sức khỏe.
Chỉ ăn chay
Nhiều người cho rằng muốn giảm nguy cơ hoặc hạn chế tái phát ung thư thì nên ăn chay, tức là chỉ ăn thực vật, có thể uống sữa và ăn trứng theo một số trường phái. Tuy nhiên, người bệnh ung thư thường đối diện nguy cơ suy dinh dưỡng cao. Khi đó, người bệnh bị suy kiệt, sẽ gây tạm hoãn điều trị để phục hồi dinh dưỡng, bất lợi cho quá trình điều trị.
Chuyên gia cho biết chế độ ăn của người bệnh ung thư cần đảm bảo đủ năng lượng và lượng protein cao. Chế độ ăn thay đổi phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân, ví dụ bệnh nhân bị chán ăn hoặc mắc các vấn đề phải giảm khẩu phần, một số tăng cảm giác thèm ăn, tăng cân do tác dụng phụ của thuốc...