Liệt mặt: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày đăng: 09-11-2024 21:19:33

Liệt mặt là tình trạng mất vận động cơ mặt, có thể xảy ra do tổn thương não, đột quỵ, dị dạng mạch máu, u não, nhiễm trùng hay bệnh tự miễn. Bệnh nhân bị liệt mặt cần đi khám sớm vì đây có thể là một triệu chứng của đột quỵ.


Liệt mặt là liệt dây thần kinh số 7

1. Liệt mặt là bệnh gì?

Liệt mặt hay còn gọi là liệt dây thần kinh số VII, là tình trạng mất vận động hoàn toàn hay một phần các cơ của nửa mặt.

Liệt mặt được chia thành liệt mặt kiểu trung ương (CN VII-Central lesion) và liệt mặt kiểu ngoại biên (CN VII-Peripheral lesion)

2. Triệu chứng và nguyên nhân gây liệt mặt trung ương 

a. Triệu chứng liệt mặt trung ương

- Liệt 1/4 dưới của mặt.

- Các phần còn lại của mặt không thay đổi (mắt nhắm kín hoặc có thể hở nhẹ, vẫn còn nếp nhăn trán, nước mắt, nước bọt, cảm giác lưỡi bình thường).

Những triệu chứng đi kèm khác là:

- Yếu tê nửa người cùng bên hoặc đối bên với liệt mặt

- Ù tai

- Nói đớ

- Đi đứng mất thăng bằng

b. Vị trí tổn thương trong liệt mặt trung ương

Trong liệt mặt kiểu trung ương, tổn thương được xác định trên não. 

Nhân dây thần kinh số VII nằm ở cầu não, một phần nằm phía sau của não bộ. Nhân dây thần kinh số VII có hai phần: phần trên phân bố vận động cho 1/4 mặt cùng bên được chi phối bởi hai bên bán cầu (hai nhân VII bên trái và bên phải), còn phần dưới phân bố vận động có 1/4 dưới của mặt cùng bên) chỉ được chi phối bởi một bàn cầu bên đối diện. 


Nhân dây thần kinh số VII nằm ở cầu não và phía sau não bộ

c. Nguyên nhân gây liệt mặt trung ương

Liệt mặt kiểu trung ương có thể xảy ra do bệnh lý mạch máu não hoặc tổn thương não. Nguyên nhân thường gặp là:

- Bệnh lý mạch máu: đột quỵ não (dạng xuất huyết não hoặc nhồi máu não), dị dạng mạch máu não.

- Tổn thương não tại nhân hoặc do các vùng lân cận chèn ép: u não, áp xe não, khối máu tụ trong hoặc ngoài não (chấn thương sọ não).

3. Triệu chứng và nguyên nhân gây liệt mặt ngoại biên

a. Triệu chứng liệt mặt ngoại biên

- Liệt 1/2 mặt: Một bên mặt bị bất động

- Mờ nếp nhăn trán

- Mắt nhắm không kín (hở khe mi nhiều)

- Lông mày chảy xệp xuống

- Mờ nếp mũi má

- Má xệ xuống

- Chảy nước mắt mắt bên liệt

- Chảy nước miếng bên bị liệt

- Khó nhai bên liệt

- Có thể có giảm hoặc dị cảm một bên.

Các triệu chứng khác đi kèm là: 

- Ù tai.

- Liệt hoặc yếu nửa nguời bên đối diện (trong các hội chứng Millard – Gubler hay hội chứng Foville của nhồi máu não).

- Liệt hoặc tê tứ chi (hội chứng Guillaine – Barre).

- Rối loạn ngôn ngữ: nói đớ, mất các sử dụng từ hoặc nói lung tung không đúng ý nghĩa …).

- Quên thoáng qua

- Nhìn đôi.


Triệu chứng liệt mặt ngoại biên (trái) và liệt mặt trung ương (phải)

b. Vị trí tổn thương trong liệt mặt ngoại biên

Trong liệt mặt kiểu ngoại biên, vị trí tổn thương là nơi xuất phát ra của dây thần kinh VII từ nhân nằm ở cầu não.

c. Nguyên nhân gây liệt mặt ngoại biên

Với vị trí tổn thương là đoạn dây thần kinh VII còn nằm trong bán cầu não, nguyên nhân gây liệt mặt thường do đột quỵ não (nhồi máu não, xuất huyết não) hoặc các dị dạng mạch máu não.

Với vị trí tổn thương là đoạn dây thần kinh VII đã ra khỏi cầu não, có nhiều nguyên nhân gây liệt mặt như: u dây thần kinh VII (tế bào Schwann…), nhiễm virus hoặc vi khuẩn, chấn thương hoặc bệnh tự miễn.

4. Đối tượng có nguy cơ bị liệt mặt

Liệt mặt ngoại biên có thể xảy ra ở mọi đối tượng, không phân biệt giới tính, tuổi tác. Tuy nhiên một số đối tượng có nguy cơ bị liệt mặt ngoại biên cao hơn là:

- Người có hệ miễn dịch bị suy giảm và sức khỏe yếu.

- Người phải đi sớm về khuya, làm việc ban đêm trong môi trường tiếp xúc với gió lạnh...

Liệt mặt trung ương thường xảy ra ở những người có yếu tố nguy cơ đột quỵ não như:

- Hút thuốc lá

- Tăng huyết áp (huyết áp cao)

- Đái tháo đường (tiểu đường)

- Béo phì

- Ít vận động

- Thường xuyên căng thẳng

- Sử dụng thuốc ngừa thai

- Sử dụng chất kích thích

- Thường xuyên sử dụng rượu bia

- Có bệnh lý tim mạch

- …


Sử dụng nhiều rượu bia làm tăng nguy cơ liệt mặt do đột quỵ

5. Phương pháp và cách chẩn đoán bệnh liệt mặt

Liệt mặt được chẩn đoán dựa trên lâm sàng. Trong một số trường hợp như bệnh nhân đã bị liệt lâu ngày, liệt nhẹ khó phân biệt được liệt mặt kiểu trung ương hay ngoại biên. Những trường hợp này thường sử dụng điện cơ hoặc MRI não để chẩn đoán xác định.

Ngoài ra, những cận lâm sàng khác được sử dụng để tầm soát yếu tố nguy cơ hoặc tìm nguyên nhân gây liệt mặt.

6. Phương pháp điều trị bệnh liệt mặt

a. Điều trị liệt mặt ngoại biên

- Điều trị nội khoa: các nhóm thuốc ức chế tình trạng viêm (corticoid); nhóm kháng virus, nhóm thuốc giãn mạch (trong trường hợp tổn thương do co mạch máu nuôi), nhóm thuốc tái tạo bao myelin (bao quanh sợi trục thần kinh) và nhóm tăng dẫn truyền thần kinh.

- Điều trị ngoại khoa: phẫu thuật giải phóng dây thần kinh trong ống thần kinh mặt do viêm tai, phẫu thuật vùng bị u chèn ép,...

- Y học cổ truyền: châm cứu, cấy chỉ, ... 

- Tập vật lý trị liệu

b. Điều trị liệt mặt trung ương

- Điều trị nguyên nhân

- Điều trị dự phòng tái phát

- Hạn chế và kiểm soát các yếu tố nguy cơ

- Tập vật lý trị liệu


Tập vật lý trị liệu điều trị bệnh liệt mặt

7. Di chứng của bệnh liệt mặt

Liệt mặt ngoại biên có thể gây ra các di chứng:

- Mất thẩm mỹ.

- Viêm kết mạc, viêm giác mạc, loét giác mạc, lộn mí, chảy nước mắt không kiểm soát.

- Co thắt nửa mặt.

Liệt VII trung ương có thể gây ra các di chứng:

- Rối loạn ngôn ngữ: nói đớ.

- Co thắt nửa mặt kèm nửa người bị yếu hoặc liệt.

8. Các biện pháp phòng ngừa bệnh liệt mặt

Có thể phòng ngừa liệt mặt bằng các cách sau:

- Giữ ấm cơ thể, tránh để cơ thể lạnh đột ngột. 

- Tăng cường sức đề kháng.

- Chích ngừa tuỳ theo lứa tuổi

- Hạn chế và kiểm soát các yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ.

9. Các câu hỏi thường gặp về bệnh liệt mặt

a. Liệt mặt có nguy hiểm không?

Liệt dây thần kinh số VII kiểu ngoại biên đơn thuần không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên bệnh gây ra các triệu chứng méo miệng, mặt xệ,... làm bệnh nhân mất thẩm mỹ, thiếu tự tin giao tiếp. 

Nhưng điều quan trọng là khi bị liệt mặt, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế để phân biệt liệt mặt do đột quỵ hay do các nguyên nhân khác. Những nguyên nhân còn lại của liệt dây thần kinh số VII đều nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau này.

b. Bệnh liệt mặt ngoại biên (liệt bell) có chữa khỏi hoàn toàn được không?

Bệnh có thể cải thiện nhanh nếu được điều trị sớm bằng thuốc, kết hợp châm cứu và tập vật lí trị liệu.

Nguồn: www.umcclinic.com.vn

Chia sẻ:


Bài viết liên quan

zalo
0908 856 847